Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, các quyền này có thể được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân khác không phải là người sáng tạo hay sở hữu các đối tượng đó.
Chuyển giao quyền quyền sở hữu công nghiệp bao gồm hai loại, đó là “chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp” và “chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp”.
Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Tức, bên chuyển nhượng sẽ phải chuyển giao toàn bộ quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp sang cho bên nhận chuyển nhượng và sau khi hai bên hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng sẽ có toàn quyền quyết định đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đó.
Tuy nhiên, khi chuyển nhượng, các bên cần lưu ý những vấn đề như sau: (i) Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ; (ii) Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng do đối tượng này mang tính vật lý và không thể dịch chuyển; (iii) Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó; (iv) Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu và; (v) Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Khác với chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng chỉ là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp tạm thời trao quyền cho tổ chức, cá nhân khác được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mà mình sở hữu trong một thời hạn nhất định. Tương tự như chuyển nhượng quyền, trường hợp chuyển quyền sử dụng cũng có những hạn chế nhất định chẳng hạn như: (i) Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao; (ii) Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó; (iii) Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, tuy nhiên nếu bên chuyển quyền cho phép thì việc ký kết hợp đồng thứ cấp vẫn có thể thực hiện; (iv) Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu; (v) Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.
Theo những phân tích trên có thể thấy, các bên cần phải xác định rõ mục đích, phạm vi và đối tượng muốn chuyển giao trước để lựa chọn hình thức phù hợp với mong muốn của các bên, và sau đó tiến hành ký kết các thoả thuận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, hoặc thoả thuận chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thông qua sự hỗ trợ của các luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ trong sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền để tránh các tranh chấp, phục vụ mục đích kinh doanh và phát triển.
Comments