Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động. Khi tranh chấp lao động xảy ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân mang thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết trên cơ sở các biện pháp và nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Chương XIV Bộ luật lao động 2012.
Các biện pháp giải quyết tranh chấp trong lao động gồm: thương lượng, hòa giải cơ sở, giải quyết của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Trong đó:
Đối với giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, hoà giải viên lao động, Toà án nhân dân là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Hoà giải viên lao động; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và hoà giải viên lao động; Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp đối thoại với nhau một cách trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, đây chính là phương thức giải quyết được sử dụng rộng rãi nhất. Trong quá trình thương lượng, các bên sẽ bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan tới vụ tranh chấp, đưa ra những phương án nhằm giải quyết vụ tranh chấp đó. Quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận giữa chính các bên mà không phải là kết quả của một áp lực nào từ bên ngoài.
Khác với thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhưng bên thứ ba không đưa ra phán quyết mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các bên thương lượng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Ngược lại, hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét và nếu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành. Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Phương thức giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là phương thức giải quyết được áp dụng khi có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp để xem xét, giải quyết tranh chấp lao động.
Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng, trường hợp hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án để hai bên xem xét. Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành và sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền, trong đó Tòa án sẽ ra một bản án hoặc quyết định để giải quyết vụ việc. Giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án nhìn chung là hoạt động giải quyết cuối cùng sau khi tranh chấp đã được giải quyết ở các giai đoạn khác mà không đoạt kết quả. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án được thực hiện bởi cơ quan tài phán mang quyền lực nhà nước đặc biệt, tiến hành theo những quy trình và thủ tục tố tụng chặt chẽ được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Ưu điểm lớn nhất của phương thức giải quyết tranh chấp này là các phán quyết của toàn án về vụ tranh chấp lao động được đảm bảo thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước.
Trên đây là một số cách giải quyết tranh chấp lao động. Người lao động cũng như tập thể lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý để lựa chọn phương án giải quyết phù hợp và tối ưu nhất khi xảy ra tranh chấp lao động.
Comments