Quan hệ hôn nhân và gia đình là một quan hệ pháp luật đặc biệt, tồn tại trong đó vừa là quan hệ tài sản vừa là quan hệ nhân thân, tình cảm. Khi xảy ra vấn đề tranh chấp, quan hệ hôn nhân và gia đình luôn là những tranh chấp phức tạp. Trong phạm vi bài viết này người viết bàn về tranh chấp tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn.
Thời điểm phát sinh tranh chấp, xác định loại quan hệ và luật áp dụng.
Quan hệ hôn nhân và gia đình luôn bao gồm các quan hệ: quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng, quan hệ nhân thân giữa cha mẹ và con, quan hệ tài sản chung của vợ chồng. Thông thường khi giải quyết quan hệ hôn nhân và gia đình, Tòa án thường giải quyết cả ba quan hệ nói trên. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân và gia đình về bản chất cũng là một quan hệ dân sự, Tòa án chỉ giải quyết khi có yêu cầu của đương sự và tuyệt đối không giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự. Có những trường hợp, vợ, chồng chỉ yêu cầu giải quyết một hoặc hai trong ba quan hệ nêu trên. Quan hệ tài sản thường được các đương sự giải quyết sau cùng sau khi đã có bản án/quyết định về việc ly hôn. Việc tranh chấp tài sản chung sau đó được các đương sự khởi kiện thành một vụ án riêng.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011, tranh chấp tài sản sau khi ly hôn được xếp vào loại việc tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Xuất phát từ việc tranh chấp tài sản chung khi quan hệ vợ chồng không còn tồn tại nữa nên pháp luật xác định đây là một quan hệ dân sự, tài sản được xác định là tài sản chung giữa các đồng chủ sở hữu, việc phân chia tài sản chung áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự về tài sản chung.
Đến Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã thay đổi quan điểm của nhà làm luật, xác định quan hệ tranh chấp phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn thuộc loại quan hệ tranh chấp hôn nhân và gia đình, việc phân chia tài sản chung được áp dụng các nguyên tắc theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ). Đồng thời, BLTTDS 2015 cũng xác định tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa chuyên trách Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Do đó, khi phát sinh quan hệ tranh chấp phân chia tài sản sau khi ly hôn Tòa án phải xác định vụ án thuộc loại tranh chấp hôn nhân và gia đình, áp dụng nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng quy định tại Luật HNGĐ, không được coi là tranh chấp dân sự.
2. Một số vấn đề khi giải quyết tranh chấp phân chia tài sản sau khi ly hôn.
Tài sản là bất động sản nhưng chỉ đứng tên một người.
Theo quy định chung của pháp luật, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử thì trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng (GCN) phải có tên tất cả các đồng chủ sở hữu. Đối với tài sản chung của vợ chồng cũng vậy, GCN phải có tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên trên thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp GCN chỉ đứng tên vợ hoặc đứng tên chồng vì nhiều lý do. Khi xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp, bởi bên có tên trên GCN cho rằng đó là tài sản riêng mà không phải là tài sản chung.
Để giải quyết tranh chấp, chúng ta phải quan tâm đến các vấn đề sau
Thời điểm hình thành tài sản: theo quy định của Luật HNGĐ, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác về chế độ tài sản chung, các tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Thời kỳ hôn nhân là thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng hợp pháp, được tính từ thời điểm đăng ký kết hôn cho đến thời điểm chấm dứt hôn nhân.
Như vậy, nếu bất động sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân luôn được coi là tài sản chung của vợ chồng ngay cả khi chỉ đứng tên một người. Trường hợp bất động sản được tạo lập trước hoặc sau thời kỳ hôn nhân và chỉ đứng tên một người thì được xác định là tài sản riêng của người đó.
Nguồn gốc của việc hình thành tài sản: tức là đi tìm nguồn gốc của số tiền dùng để mua bất động sản. Luật HNGĐ xác định “tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ/chồng là tài sản riêng của vợ/chồng”. Nghĩa là, vợ/chồng sử dụng tiền là tài sản riêng của mình để mua tài sản trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được mua đó được coi là tài sản của người vợ/chồng mà không được coi là tài sản chung được hình thành trong thời kỳ hôn nhân.
Nếu bất động sản được vợ/chồng mua bằng tài sản riêng của mình, chỉ đứng tên của người đó, thì được xác định là tài sản riêng. Tuy nhiên việc chứng minh là tài sản riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi tiền là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu và rất khó xác định thời điểm hình thành.
Luật HNGĐ xác định: “trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ/chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”. Khi một bên vợ/chồng cho rằng tài sản đang đứng tên mình là tài sản riêng của mình thì người đó có nghĩa vụ chứng minh, người yêu cầu xác định là tài sản chung không bắt buộc phải chứng minh. Nếu không chứng minh được là tài sản riêng, thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tài sản của vợ/chồng được thừa kế theo pháp luật.
Trong thời kỳ hôn nhân, người vợ hoặc người chồng là người thuộc hàng thừa kế và được chia di sản theo pháp luật. Sau đó, người vợ/chồng được hưởng thừa kế mặc dù không có văn bản thỏa thuận sáp nhật tài sản được thừa kế vào khối tài sản chung nhưng cả hai vợ chồng đều cùng nhau sử dụng. Khi phát sinh tranh chấp, một bên cho rằng đó là tài sản chung và yêu cầu được chia tài sản.
Luật HNGĐ xác định, việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản, việc cùng sử dụng tài sản không có ý nghĩa chứng minh tài sản chung.
Thừa kế theo pháp luật luôn là thừa kế riêng của người vợ/chồng nằm trong hàng thừa kế, tài sản đươc thừa kế theo pháp luật luôn là tài sản riêng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do vậy, tài sản có tranh chấp phải được xác định là tài sản riêng của người được thừa kế.
Comments