top of page
Search
Writer's picturele01thuong0101

Mối quan hệ giữa tác phẩm phái sinh và tác phẩm gốc

Trong thời đại công nghệ thông tin, bất cứ các tác phẩm nào cũng đều có thể được truyền tải biết đến rộng rãi thông qua internet và các công nghệ khác, do đó người ta dễ dàng sao chép và phổ biến tác phẩm. Một hình thức phổ biến tạo nên một tác phẩm khác từ tác phẩm gốc ban đầu đầu được pháp luật cho phép đó là tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn (Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi năm 2009).



– Tác phẩm dịch là tác phẩm chuyển tải trung thực nội dung của một tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Có nghĩa là thể hiện một tác phẩm bằng một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm gốc.

– Tác phẩm phóng tác là tác phẩm phỏng theo một tác phẩm đã có nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng,… làm cho nó mang sắc thái hoàn toàn mới.

– Tác phẩm cải biên có nghĩa là việc tạo ra một tác phẩm âm nhạc bằng việc thêm những yếu tố sáng tạo mới vào tác phẩm sẵn có.

– Tác phẩm chuyển thể có nghĩa là việc dùng tác phẩm gốc và thay đổi hình thức thể hiện bằng việc chuyển tác phẩm đó thành một vở kịch hay một bộ phim mà không thay đổi cốt truyện hoặc chủ đề.

– Tác phẩm biên soạn là thu thập, chọn lọc các tài liệu liên quan đến đề tài khoa học hoặc công trình nghiên cứu để viết thành bài hoặc viết thành sách theo chủ đề nhất định.

– Tác phẩm chú giải là tác phẩm giải thích, làm rõ nghĩa một số nội dung trong tác phẩm khác.

– Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm dựa trên sự tập hợp, chọn lọc, sắp xếp những tác phẩm đã tồn tại theo những tiêu chí nhất định.


Tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân hoặc nhiều cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định. Luật Sở hữu trí tuệ lựa chọn phương pháp liệt kê để định nghĩa tác phẩm phái sinh, gồm các tác phẩm được hình thành theo một trong các hình thức trên, ngoài những hình thức này thì không được coi là tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì các trường hợp khác muốn tạo nên một tác phẩm phái sinh phải được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.


Việc bảo hộ tác phẩm phái sinh có liên quan đến việc bảo hộ tác phẩm gốc, mối quan hệ này được thể hiện như sau:


Thứ nhất, tác phẩm phái sinh chỉ được hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã tồn tại. Quyền cho làm tác phẩm phái sinh thuộc nhóm quyền tài sản đối với tác phẩm, quyền này được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật SHTT.


Thứ hai, hình thức thể hiện phải khác biệt hoàn toàn hoặc từng phần so với tác phẩm gốc. Pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng. Mặt khác, tác phẩm phái sinh không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Do đó, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.


Thứ ba, tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ những tác phẩm khác hoặc tác phẩm của chính mình, mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên ranh giới giữa tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả là rất khó nhận biết.


Thứ tư, về dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh, dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc. Pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung của tác phẩm, do đó sự liên tưởng về nội dung giữa tác phẩm phái sinh với tác phẩm gốc không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm phái sinh.



1 view0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page