top of page
Search
Writer's picturele01thuong0101

Thủ tục ly hôn đơn phương

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Thủ tục ly hôn được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Luật Hòa giải tại cơ sở… Có hai hình thức ly hôn: Ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương) và thuận tình ly hôn.


Đối với ly hôn theo yêu cầu của một bên, Tòa án giải quyết cho ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Mục đích của hôn nhân không đạt được gồm không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng; không có tình nghĩa vợ chồng; vợ chồng không tôn trọng danh dự và nhân phẩm, uy tín của nhau; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhau; không giúp đỡ, và tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt. Bên cạnh đó, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng khi vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và nếu người vợ làm đơn xin ly hôn, mặc dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, thì tòa án vẫn thụ lý, giải quyết như những trường hợp bình thường khác.


Những giấy tờ cần thiết để ly hôn đơn phương gồm: Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương; Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính); Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực); Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực); Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực); Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực). Trường hợp không giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao trích lục Giấy chứng nhận kết hôn theo quy định. Trường hợp không có Chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.



Để tiến hành yêu cầu ly hôn đơn phương, người có yêu cầu cần nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền. Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Do đó, trong trường hợp đơn phương ly hôn, Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết sẽ là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì Tòa án cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết.


Về thủ tục giải quyết ly hôn, trước khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.


Sau khi nhận đơn khởi kiện ly hôn đơn phương, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét đơn và các giấy tờ liên quan. Trường hợp cần bổ sung thì thông báo để nguyên đơn bổ sung giấy tờ, thông tin cần thiết. Nếu hồ sơ đầy đủ, có đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án thông báo cho nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục Thi hành án dân sự trong thời hạn 07 ngày và nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án khi nhận lại được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí và có trách nhiệm thông báo cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý có quyền làm đơn yêu cầu phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn.


Sau khi đã thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ly hôn giữa các đương sự. Phân tích rõ quyền và nghĩa vụ cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trường hợp sau hòa giải hai vợ chồng đoàn tụ được coi là nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của họ. Trường hợp hòa giải, hai vợ chồng không đoàn tụ nhưng thỏa thuận được với nhau về việc ly hôn, về tài sản, con cái thì sau 7 ngày kể từ ngày Tòa án lập biên bản hòa giải thành các bên không thay đổi ý kiến Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Đối với trường hợp hòa giải không thành, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu không thuộc trường hợp bị đình chỉ giải quyết theo quy định.


Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Trường hợp có lý do chính đáng thì có thể gia hạn thời hạn này nhưng không quá 02 tháng. Kết thúc phiên tòa, kết quả giải quyết yêu cầu đơn phương ly hôn sẽ được quyết định bằng bản án. Trong trường hợp đơn phương ly hôn, thời gian giải quyết kéo dài hơn, có thể từ 04 – 06 tháng. Trên thực tế, do có thể phát sinh những tranh chấp về quyền nuôi con, về tài sản thì thời gian giải quyết còn có thể kéo dài hơn.


Đối với những vụ việc có tranh chấp về tài sản thì ngoài mức án phí 300.000 đồng, đương sự còn phải chịu án phí với phần tài sản có tranh chấp, được xác định theo giá trị tài sản tranh chấp.


Các bên cần tìm hiểu và nắm chắc để có thể chuẩn bị các tài liệu cũng như thủ tục liên quan trong trường hợp của mình hoặc thuê luật sư về các vấn đề dân sự, gia đình, giải quyết tranh chấp tài sản, nuôi con hỗ trợ.




1 view0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page