Theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam, khi phát hiện hành vi xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền thực hiện quyền tự bảo vệ bao gồm (i) áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật.
Thứ nhất, đối với biện pháp áp dụng các biện pháp công nghệ, bên bị vi phạm có thể đưa các thông tin về chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phạm vi bảo hộ, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác liên quan đến quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu nhằm thông báo rằng nhãn hiệu là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm. Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm cũng có thể sử dụng các phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt và bảo vệ nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Thứ hai, biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Cụ thể, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm có thể tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức đại diện gửi văn bản tới bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bằng việc chỉ rõ căn cứ phát sinh hành vi xâm phạm, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý đề bên xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp và mức độ xâm phạm mà văn bản yêu cầu sẽ có những nội dung khác nhau. Có thể nói đây là biện pháp mà bên bị xâm phạm nên sử dụng đầu tiên trước khi thực hiện các biện pháp khác, kể cả áp dụng các biện pháp công nghệ bởi lẽ nếu bên xâm phạm hợp tác và dừng hành vi xâm phạm sẽ tránh mất thời gian và tiền bạc của các bên khi không phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn.
Thứ ba, biện pháp yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật. Khi chủ sở hữu nhãn hiệu đã gửi văn bản tới bên xâm phạm nhưng họ không hợp tác và vẫn tiếp diễn hành vi xâm phạm, bên bị xâm phạm có thể gửi đơn yêu xử lý xâm phạm tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với những nội dung chủ yếu như: ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên, địa chỉ của người yêu cầu hoặc người đại diện của người yêu cầu; tên cơ quan nhận đơn; tên, địa chỉ của người xâm phạm; tên, địa chỉ của người bị nghi ngờ là người xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm; thông tin tóm tắt về nhãn hiệu bị xâm phạm và tóm tắt hành vi xâm phạm; nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý xâm phạm; danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn. Tùy vào từng mức độ xâm phạm và người yêu cầu có thể gửi đơn yêu cầu tới các cơ quan liên quan để áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự hoặc cơ quan hải quan. Riêng đối với trường hợp đơn yêu cầu gửi đến cơ quan hải quan nhằm đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm thì cần có thêm thông tin về cách thức xuất khẩu, nhập khẩu, nước xuất khẩu, cách thức đóng gói, người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, đặc điểm phân biệt hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp với hàng hoá xâm phạm.
댓글