top of page
Search
Writer's picturele01thuong0101

Áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng phân bón DAP và MAP

DAP và MAP là loại phân bón vô cơ phức hợp, với thành phần chủ yếu là đạm và lân, có tác dụng bón lót, bón thúc cho cây trồng cũng như dùng để sản xuất phân bón NPK.


Ngày 31/3/2017, Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ mặt hàng phân bón DAP và MAP. Bên yêu cầu là Công ty Cổ phần DAP – Vinachem và Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem.

Ngày 12/5/2017, căn cứ Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của ngành sản xuất trong nước, quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Pháp luật Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT khởi xướng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.

Kết luận điều tra sơ bộ cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT Ngày 04/08/2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với sản phẩm có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00, với mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn và có hiệu lực từ ngày 19/8/2017 đến ngày 6/3/2018.

Trong giai đoạn điều tra cuối cùng, Cơ quan điều tra đã tổ chức các buổi tham vấn với các bên liên quan, đánh giá tác động kinh tế – xã hội của biện pháp tự vệ tạm thời, cập nhật số liệu và tham khảo ý kiến các Bộ, ngành.

Kết luận điều tra cuối cùng cho thấy lượng phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã tăng cả tuyệt đối và tương đối trong giai đoạn điều tra. Kết luận điều tra cũng cho thấy hàng hóa nhập khẩu đã gây ra tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong giai đoạn 2013-2016. Hiện tượng ép giá, kìm giá vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 nên giá bán của phân bón sản xuất trong nước vẫn thấp hơn chi phí sản xuất. Ngành sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt hại trên tất cả khía cạnh như sản lượng và doanh số bán hàng giảm đáng kể.

Như vậy, đã có sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu gây tác động về giá, thỏa mãn một trong ba điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của WTO và Việt Nam (Ba điều kiện là: có tác động về lượng và giá của hàng hóa nhập khẩu; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng; và có mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước).

Ngày 10/11/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4236/QĐ-BCT về việc gia hạn thời gian điều tra vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam thêm 2 tháng trước khi ban hành Kết luận cuối cùng. Việc gia hạn này là cần thiết để thu thập thêm các thông tin liên quan đến vụ việc, xem xét kỹ lưỡng ý kiến của các bên liên quan cũng như đánh giá tác động kinh tế xã hội một cách toàn diện.

Ngày 02/03/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG06).

Ngày 21/03/2018, Cơ quan điều tra đăng thông báo về Hướng dẫn thực hiện việc miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ.

Ngày 12/10/2018, Cơ quan điều tra đăng thông báo tiếp nhận đơn yêu cầu miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ.

Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra đăng thông báo công khai về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ.

Ngày 02/7/2019, Cơ quan điều tra nhận được Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của Công ty DAP-Vinachem và Công ty DAP số 2- Vinachem.

Ngày 2/8/2019, Cơ quan điều tra đã nhận được hồ sơ bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Ngày 13/8/2019, Cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định yêu cầu điều tra rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu.

Ngày 03/9/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2700/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Ngày 18/9/2019, Cơ quan điều tra ban hành Công văn số 817/PVTM-P2 gửi bản câu hỏi rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP cho các công ty sản xuất trong nước, công ty nhập khẩu phân bón DAP, MAP.

Ngày 13/01/2020, Cơ quan điều tra tổ chức buổi tham vấn để các bên liên quan có thể trình bày các quan điểm liên quan tới vụ việc.

Ngày 24/02/2020, Cơ quan điều tra đã hoàn thành Kết luận rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Ngày 3/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu. Cụ thể các mức thuế áp dụng như sau: từ 7/3/2020-6/3/2021 mức thuế tự vệ là 1.050.662 đồng/tấn; từ 7/3/2021-6/3/2022 là 1.029.219 đồng/tấn; từ 7/3/2022-6/9/2022 là 1.007.778 đồng/tấn; từ 7/9/2022 trở đi 0 đồng/tấn.

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công Thương xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh.

Ngày 13/3/2020, Cơ quan điều tra đăng thông báo tiếp nhận Hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP/MAP năm 2020. Các doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị miễn trừ tại Cổng dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn hoặc gửi trực tiếp đến Cục Phòng vệ thương mại trước 17h ngày 13 tháng 4 năm 2020.

2 views0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page