top of page
Search
Writer's picturele01thuong0101

Ưu điểm và nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận lựa chọn và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Cũng như hòa giải, thương lượng, tòa án, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng có những ưu điểm và nhược điểm. Dưới đây là một số ưu, nhược điểm của trọng tài thương mại.



Tương tự như hòa giải, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng bắt nguồn từ sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai phương thức này là việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài sẽ được điều chỉnh bởi Luật trọng tài thương mại. Các bên được quyền thỏa thuận lựa chọn trọng tài phù hợp, có thể là trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp.


Thực tiễn áp dụng pháp luật trọng tài thương mại trong giải quyết tranh chấp bộc lộ một số ưu điểm như sau:

Thứ nhất, đây là phương thức giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc không công khai nếu các bên không có thỏa thuận khác. Đây là một ưu điểm mà bất cứ các bên tranh chấp đều coi trọng bởi nó hạn chế sự tiết lộ các bí quyết kinh doanh, giữ được uy tín các bên.

Thứ hai, quyết định của Trọng tài là chung thẩm, vì vậy nó có giá trị bắt buộc với các bên và quyền kháng cáo trong trường hợp này bị vô hiệu. Việc xét xử tại Trọng tài thương mại chỉ diễn ra ở một cấp xét xử, điều này không giống với việc xét xử tại Tòa án là hai cấp. Chính vì vậy nó tạo tiền đề cho ưu điểm sau.

Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp phát sinh thông qua trọng tài thương mại thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo, đồng thời rút ngắn thủ tục tố tụng qua đó góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức của các bên.


Thứ tư, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không bị giới hạn về mặt lãnh thổ do đó các bên có thể thỏa thuận lựa chọn bất kỳ trọng tài nào để giải quyết tranh chấp của mình.

Tuy nhiên, các bên tranh cấp cũng cần lưu ý rằng việc lựa chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài cũng bộc lộ một số nhược điểm như: Việc thi hành phán quyết trọng tài phụ thuộc rất nhiều vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Trường hợp bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài khi đã hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài thì bên được thi hành án mới có thể gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết.


Bên cạnh đó, một trong các bên tranh chấp có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ phán quyết trọng tài khi không phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau: (i) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; (ii) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này; (iii) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ; (iv) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; (v) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.


Ngoài ra, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài đòi hỏi chi phí tương đối cao.



1 view0 comments

Comments


Post: Blog2_Post
bottom of page