top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hoá từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp KH&CN được hình thành trên cơ sở áp dụng hoặc khai thác thành công các hoạt động nghiên cứu của chính doanh nghiệp hoặc kết quả nghiên cứu KH&CN của các nhà khoa học, của các tổ chức KH&CN hoặc kết quả nghiên cứu chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Để hướng dẫn về doanh nghiệp KH&CN, ngày 01/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ thay thế Nghị định Nghị định số 80/2007/NĐ-CP.



Doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng các điều kiện sau để được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Điều 6 Nghị định 13/2019/NĐ-CP), đây chính là giấy phép hoạt động và là căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ và có hiệu lực trên toàn quốc:

– Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

– Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận;

– Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Điều kiện này áp dụng với các doanh nghiệp được thành lập từ trên 5 năm.


Tùy từng trường hợp cụ thể, Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp bởi Sở Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.


Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” liên quan đến các doanh nghiệp KH&CN là tiếp tục triển khai Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam của Bộ KH&CN. Đề án này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp KH&CN môi trường phát triển đồng thời cũng đòi hỏi doanh nghiệp KH&CN phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi.


Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp KH&CN không chỉ mang đến các sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, mà còn khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Với tầm quan trọng của mình, doanh nghiệp KH&CN được hưởng những ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi tín dụng;… và đặc biệt là hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ mới được Nghị định 13/2019/NĐ-CP bổ sung.


Việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam, nhưng rất ít kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất hay trở thành sản phẩm thương mại trên thị trường. Nhằm giải quyết phần nào các hạn chế này, Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN bằng việc hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước; sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước;… được quy định trong Nghị định 13/2019/NĐ-CP và các văn bản có liên quan



1 view0 comments

Comments


bottom of page