Theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, đối tượng quyền Sở hữu công nghiệp bao gồm Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Văn bằng bảo hộ của Cục sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Còn lại (i) quyền đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; (ii) quyền đối với bí mật kinh doanh được được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Vậy quyền đối với đối tượng phát sinh dựa trên việc cấp Văn bằng bảo hộ có thời hạn và phạm vi bảo hộ như thế nào?
Thứ nhất, Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều này có nghĩa là hiệu lực của Văn bằng chỉ mang tính chất lãnh thổ, nước nào cấp Văn bằng thì sẽ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ nước đó mà không được chấp nhận tại các nước khác hay các văn bằng do cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp sẽ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, đối với từng đối tượng sở hữu công nghiệp, hiệu lực của Văn bằng bảo hộ cũng khác nhau. Chẳng hạn như Bằng độc quyền sáng chế chỉ có hiệu lực 20 năm kể từ ngày cấp nhưng mốc thời gian để tính đến thời điểm hết 20 năm bảo hộ lại là từ ngày nộp đơn. Đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích, lại chỉ có thời gian bảo hộ là 10 năm và cách tính đến thời điểm hết 10 năm cũng tương tự như bằng độc quyền sáng chế. Lưu ý rằng đối với bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích không thể gia hạn thêm hiệu lực Văn bằng. Tuy nhiên, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu lại có thể gia hạn thêm. Cụ thể: (i) Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn liên tiếp mỗi lần 5 năm, như vậy, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể có thời hạn lên đến 15 năm; (ii) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thời hạn có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, tuy nhiên, đối tượng này có một đặc điểm nổi trội là có thể gia hạn hiệu lực giấy chứng nhận nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mươi năm do vậy mà đối tượng này có thể gia han hiệu lực mãi mãi.
Riêng đối với Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp do đặc thù của đối tượng này đó là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định bao gồm Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…).
Ngoài ra, còn một đối tượng có hiệu lực Văn bằng khá đặc thù là Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Giấy chứng nhận sẽ có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất vào một trong những ngày sau: (i) Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn (ii) Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới (iii) Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.
Như vậy, khi chủ sở hữu đối tượng quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp Văn bằng bảo hộ, cần lưu ý vào những thời điểm hết hiệu lực của Văn bằng để có thể làm thủ tục gia hạn kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích mà đối tượng sở hữu công nghiệp mang lại.
ความคิดเห็น