top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư theo Hiệp định C

FTAs thế hệ mới không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả đầu tư. Phần lớn các FTAs này cũng bao gồm các nguyên tắc tự do hoá đầu tư và bảo hộ nhà đầu tư thông qua việc quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư (ISDS). Hai Hiệp định đáng chú ý thời gian gần đây là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có chương 9 về Đầu tư có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 tại Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) (được tách ra từ Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Liên minh châu Âu – EVFTA) đang đợi tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực.



Đầu tiên, về nguyên tắc minh bạch trong giải quyết tranh chấp, CPTPP và EVIPA đều có các điều khoản hoàn thiện tính minh bạch của quá trình tố tụng. Theo đó tất cả các tài liệu (được đệ trình bởi các bên, quyết định của hội đồng trọng tài) sẽ được công khai, trừ các tài liệu bảo mật. Các phiên điều trần sẽ được thực hiện công khai cho các bên có liên quan có thể tham dự. EVIPA đã áp dụng Quy tắc minh bạch UNCITRAL trong khi CPTPP không áp dụng Quy tắc này mà chỉ áp dụng một số quy định tại Điều 9.24 Hiệp định (Điều 9.24 CPTPP, Điều 3.46 EVIPA).


Thứ hai, EVIPA đã thành lập một cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực, khác với cơ chế vụ việc trong CPTPP. Theo EVIPA, Hội đồng xét xử sẽ bao gồm hai cơ quan: Hội đồng xét xử sơ thẩm và Hội đồng xét xử phúc thẩm. Hiệp định EVIPA đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam quy định cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực trong một Hiệp định bảo hộ đầu tư của Việt Nam.


Thứ ba là phán quyết của hội đồng xét xử. Theo EVIPA, phán quyết cuối cùng sẽ được các bên tuân thủ, không kháng cáo, rà soát, bãi bỏ, huỷ bỏ hay bất kỳ biện pháp sửa đổi nào. Việt Nam được gia hạn 5 năm tính từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn do Ủy ban thương mại quyết định. Trong thời gian đó, nếu Việt Nam là bị đơn thì việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài sẽ tuân theo Công ước New York 1958 (Điều 3.57). Hết thời hạn 5 năm, việc thực thi phán quyết theo cơ chế Công ước ICSID (không cần thông qua các thủ tục công nhận và cho thi hành trong nước). Biện pháp bảo hộ ngoại giao không được phép áp dụng trừ trường hợp một bên không thực thi phán quyết cuối cùng của trọng tài (Điều 3.58). Trong khi đó, theo Điều 9.29, CPTPP vẫn cho phép khả năng sửa đổi, hủy bỏ phán quyết. CPTPP có nhiều cơ chế thực thi hơn, bao gồm cả Công ước ICSID (không cần thông qua các thủ tục công nhận và cho thi hành trong nước), Công ước New York năm 1958 và Công ước liên châu Mỹ (cần thông qua các thủ tục công nhận và cho thi hành trong nước).


Cuối cùng, cả EVIPA và CPTPP đều tăng tính độc lập, vô tư và chất lượng của trọng tài hoặc thành viên của hội đồng khi ban hành bộ quy tắc ứng xử. Trong EVIPA, bộ quy tắc ứng xử này được quy định cụ thể trong Phụ lục 11 trong khi với CPTPP, bộ quy tắc này không được quy định nhưng sẽ được bổ sung hướng dẫn sau đó bởi các bên ký kết trên cơ sở Quy tắc ứng xử về thủ tục giải quyết tranh chấp theo Chương 28 (Giải quyết tranh chấp) (Khoản 6 Điều 9.22).



3 views0 comments

Comments


bottom of page