top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Hiệu lực pháp lý của giấy lý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.


Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp cho cá nhân yêu cầu một phiếu lý lịch tư pháp, đây là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Trong phạm vi doanh nghiệp thì phiếu lý lịch tư pháp sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã… Ngoài ra một số cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đề nghị cấp hoặc yêu cầu cá nhân cung cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số hoạt động cần thiết.

Theo Khoản 1 Điều 44 Luật lý lịch tư pháp năm 2009 quy định có hai loại phiếu lý lịch tư pháp gồm:

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam hoặc Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Tùy mục đích sử dụng phiếu lý lịch tư pháp mà cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc số 2.

Căn cứ theo Luật lý lịch tư pháp năm 2009, Nghị định 111/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật lý lịch tư pháp thì Thời hạn phiếu lý lịch tư pháp của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được quy định rõ ràng, thống nhất mà vẫn phải phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật liên quan và phụ thuộc vào quyết định của cơ quan, tổ chức có nhu cầu xác minh về tình trạng lý lịch tư pháp của cá nhân đó.

Như Điều 20,24 và 28 Luật quốc tịch năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tronng hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam phải có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày. Đối với trường hợp xin thị thực (VISA) tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ hoặc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ thì cá nhân phải có phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp trong vòng 1 năm. Do đó khi cá nhân được yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các cơ quan, tổ chức thì phải xem xét quy định về thời hạn mà cơ quan đó cho phép đối với phiếu lý lịch tư pháp, việc quy định này cũng không trái theo Luật lý lịch tư pháp năm 2009, bởi Luật không quy định rõ hiệu lực pháp lý đối với hai phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2, cũng như không có quy định hạn chế việc các cơ quan, tổ chức đặt yêu cầu về thời hạn giấy được cấp.




1 view0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page