Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau; là một loại tài sản vô cùng có giá trị của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu luôn gắn liền với sản phẩm, dịch vụ và có vai trò quan trọng trong việc định hình nên giá trị của doanh nghiệp. Chính vì các giá trị mang lại mà nhãn hiệu luôn là một trong các đối tượng bị xâm phạm nhiều nhất nhằm mục đich làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ hàng hóa giữa các công ty với nhau. Điều này thực sự ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng và hình ảnh doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, các hành vi được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm đối với nhãn hiệu, bao gồm: – Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; – Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; – Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; – Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, được áp dụng như sau: việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án; việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp (giá trị xử phạt vi phạm hành chính có thể lên tới 500.000.000 đồng tùy theo hành vi và giá trị hàng hóa vi phạm); việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan Hải quan. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nói riêng, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể xem xét xử lý theo một trong các biện pháp dân sự, hình sự, hành chính.
Khi chủ sở hữu nhận thấy có hành vi vi phạm, có thể nhờ trợ giúp của luật sư, các đại diện sở hữu trí tuệ để tư vấn thu thập chứng cứ và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm này
Commentaires