top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Kinh doanh vận tải đa phương thức

Ngày 16/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức. Vận tải đa phương thức là phương thức vận tải hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức, một chứng từ vận tải và chỉ một chủ thể chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở từ một địa điểm ban đầu đến một địa điểm được chỉ định để giao hàng. Kinh doanh vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật Việt Nam gồm hai hình thức: kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa và kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.



Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức được ban hành đã bãi bỏ Chương III Nghị định 87/2009/NĐ-CP về kinh doanh vận tải đa phương thức nội địa. Nghị định mới cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế và bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành nghề kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa. Thực tế việc bỏ ngành nghề doanh dịch vụ vận tải đa phương thức nội địa ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện là do việc kiểm soát rủi ro đối với hoạt động vận tải đa phương thức đã có pháp luật chuyên ngành của từng phương thức điều chỉnh, do đó không cần thiết phải quy định thêm điều kiện kinh doanh tạo thành hai tầng điều kiện.


Về điều kiện kinh doanh kinh vận tải đa phương thức quốc tế, quy định mới bỏ điều kiện nhà đầu tư/doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, và không còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như trước, đều yêu cầu các điều kiện chung để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, gồm: (1) Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật, (2) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương. Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo điều kiện ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp thuộc các nước thành viên Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức hoặc là doanh nghiệp của quốc gia đã ký điều ước quốc tế với Việt Nam về vận tải đa phương thức nhằm thu hút đầu tư, đó là (1) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thực quốc tế hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nước đó cấp, và (2) Có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh tương đương. Thêm nữa, Nghị định mới cũng thay đổi thủ tục để phù hợp với quy định mới, giảm thời hạn cấp phép từ 10 ngày làm việc xuống 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.


Các tổ chức đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của Việt Nam trước thời điểm Nghị định 144/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động đến hết thời hạn của Giấy phép đó. Nghị định mới ban hành không làm ảnh hưởng đến hoạt động động thông thường của các doanh nghiệp đã được cấp phép theo Nghị định cũ. Hết thời hạn này, các doanh nghiệp cần phải thực hiện cấp lại giấy phép để tiếp tục hoạt động. Thời hạn cấp lại giấy phép cũng được giảm thời hạn từ 10 ngày làm việc xuống 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.


Với vai trò hỗ trợ hoạt động thương mại, vận tải hiện đại cần phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng phức tạp hơn của thị trường vận tải nội địa và quốc tế, không chỉ đơn thuần là việc chuyển dịch hàng hóa mà còn phải thực hiện được việc kết nối quá trình vận chuyển thành một chuỗi vận tải không gián đoạn nhằm bảo đảm cho quá trình vận chuyển hàng hóa an toàn và nhanh chóng hơn.



1 view0 comments

Comments


bottom of page