Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 2019, Nghị định sẽ Làm hết hiệu lực một phần Nghị định 158/2013/NĐ-CP; Nghị định 28/2017/NĐ-CP, đồng thời Hướng dẫn Luật Thể dục, Thể thao 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao 2018.
Nội dung chính của Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao và mức phạt đối với hành vi đó, hình phạt chính là phạt tiền, ngoài ra một số hành vi cụ thể sẽ có hình phạt bổ sung như bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi, đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thể thao…. Cụ thể, người nào có hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng và phải xin lỗi công khai đối với hành vi của mình. Bên cạnh đó, người có hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng. Đồng thời, người có hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực trong hoạt động thể thao sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đó là đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 03 – 06 tháng.
Nghị định còn quy định về các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về cấm gian lận trong hoạt động thể thao; vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện, thi đấu thể dục thể thao… Mức phạt tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Đối với hoạt động kinh doanh thể thao mạo hiểm mà không thành lập doanh nghiệp thì được quy định tại Điều 15 của Nghị định 46/2019/NĐ-CP, cụ thể quy định của Điều này là vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện, theo đó sẽ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm, kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp. Với hoạt động kinh doanh thể thao mạo hiểm muốn đăng ký kinh doanh thì phải dẫn chiếu đến Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao, Nghị định sẽ có hiệu lực vào ngày 14 tháng 06 năm 2019, Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao, điểm chú ý là các điều kiện để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thể thao mạo hiểm.
Mức phạt hành vi kinh doanh thể thao mạo hiểm mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định trên thì chỉ phạt tiền một lần mà không có hình phạt bổ sung như cấm đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này trong thời gian nhất định… do đó nếu bị phạt tiền tại thời điểm chưa đăng ký doanh nghiệp thì sau khi nộp phạt vẫn có thể bổ sung đăng ký doanh nghiệp mà không phải chịu một chế tài trách nhiệm nào.
Có thể nói Nghị định 46/2019/NĐ-CP là một văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, tại đây mọi hoạt động, hành vi của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực thể thao được quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, hình phạt thì bao gồm phạt tiền là hình phạt chính và những hình phạt bổ sung kèm theo (nếu có). Để thực hiện được Nghị định 46/2019/NĐ-CP thì phải căn cứ trên nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực thể thao, bởi có sự liên quan với nhau, đồng thời thống nhất trong các hành vi, hoạt động thể thao như Luật thể dục, thể thao năm 2006 sửa đổi bổ sung năm 2018, Luật đầu tư năm 2014, Nghị định 36/2019/NĐ-CP hướng dẫn luật thể dục, thể thao sắp có hiệu lực trong tháng 06/2019 và các văn bản pháp luật khác. Các luật sư tại ANT Lawyers, công ty luật với văn phòng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thường xuyên theo dõi sự thay đổi của pháp luật để cập nhật tới khách hàng thường xuyên.
コメント