top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn

Khi ly hôn, ngoài tranh chấp chia tài sản thì tranh chấp về quyền nuôi con cũng rất phổ biến. Vậy quyền nuôi con được quy định như thế nào khi ly hôn?




Theo pháp luật Việt Nam, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Pháp luật vẫn luôn ưu tiên quyền thoả thuận của các bên. Theo đó, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Ngoài ra, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.


Trên thực tế, ý kiến của con thường chỉ mang tính định hướng, tham khảo, là một phần để Tòa án xem xét đi đến quyết định, không có ý nghĩa hoàn toàn quyết định. Tòa án sẽ dựa vào quyền lợi của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, căn cứ vào: việc sinh hoạt, học tập hiện tại của con, nghề nghiệp của người trực tiếp nuôi, điều kiện về chỗ ở sau khi ly hôn, thu nhập, thời gian chăm sóc con… và một số yếu tố khác của mỗi bên. Theo đó, người được nuôi con phải chứng minh được trước Tòa án về bản thân sẽ cung cấp môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của con và có đủ các điều kiện đảm bảo cả về kinh tế lẫn tinh thần đáp ứng cho yêu cầu phát triển bình thường của người con. Người được nuôi con phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất (thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định…), điều kiện tinh thần (có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…) để người con có cuộc sống ổn định và phát triển hơn bên không được nuôi con. Ngoài ra, một trong hai người có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định…


Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu (Người thân thích; Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ), Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Tưong tự như khi giải quyết ly hôn, trường hợp thay đổi người trực tiếp nuôi con cũng cần xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ, quyền sau:

-Tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi;

-Cấp dưỡng cho con;

-Thăm nom con mà không ai được cản trở sau khi ly hôn. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Tương ứng với đó, cha, mẹ trực tiếp nuôi con cũng có các nghĩa vụ, quyền đối sau với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

-Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định;

-Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình;

-Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.


1 view0 comments

Comments


bottom of page