top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh 2018

Ngày 12/06/2018, Quốc hội đã ban hành Luật cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019, thay thế cho Luật cạnh tranh 2004. Theo khoản 9 Điều 3, vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế là một trong ba dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh.


Đầu tiên, tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây: (1) Sáp nhập doanh nghiệp; (2) Hợp nhất doanh nghiệp; (3) Mua lại doanh nghiệp; (4) Liên doanh giữa các doanh nghiệp; (5) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật (Điều 29). Vậy chủ thể tiến hành hoạt động tập trung kinh tế là các doanh nghiệp, mục đích khi tiến hành tập trung kinh tế là giành được quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu và chi phối thị trường ở mức độ nhất định.

Thứ hai, tập trung kinh tế bị cấm là khi Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây: (1) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan; (2) Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế; (3) Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau; (4) Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan; (5) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể; (6) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường; (7) Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (Điều 30, 31).

Thứ ba, các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế. Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây: (1) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; (2) Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; (3) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế; (4) Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được quy định đầy đủ tại Điều 34, tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt (Điều 33, 34).

Thứ tư, về thủ tục thẩm định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế. Nội dung thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế bao gồm: (1) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan; (2) Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế; (3) Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo. Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (Điều 35, 36).

Sau khi thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ. Đối với vụ việc phức tạp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thẩm định chính thức nhưng không quá 60 ngày và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế. Nội dung thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế bao gồm: (1) Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế; (2) Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế; (3) Đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế. Trong quá trình thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bổ sung thông tin, tài liệu nhưng không quá 02 lần. Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế có trách nhiệm bổ sung thông tin, tài liệu liên quan đến việc tập trung kinh tế và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Thời gian bổ sung này không được tính vào thời hạn thẩm định tập trung kinh tế. Trường hợp bên được yêu cầu không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xem xét, quyết định trên cơ sở thông tin, tài liệu đã có (Điều 37, 38).

Thứ năm là vấn đề về quyền, trách nhiệm và quyền hạn của các bên. Trong quá trình thẩm định tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang hoạt động, tiến hành tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khác có liên quan; có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật; có quyền hạn giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế. Tiếp đến, Cơ quan được tham vấn có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về nội dung được tham vấn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về việc tham vấn ý kiến. Sau cùng, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quá trình thẩm định tập trung kinh tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 39, 40, 59).

Thứ sáu, về quyết định về việc tập trung kinh tế, sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, căn cứ vào nội dung thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về một trong các nội dung sau đây: (1) Tập trung kinh tế được thực hiện. Quyết định này phải được gửi đến các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định; (2) Tập trung kinh tế có điều kiện; (3) Tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm. Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định không đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Quyết định về việc tập trung kinh tế phải được công bố công khai, trừ nội dung liên quan tới bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp (Điều 41, 104).

Thứ bảy, tập trung kinh tế có điều kiện là tập trung kinh tế được thực hiện nhưng phải đáp ứng một hoặc một số điều kiện sau đây: (1) Chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế; (2) Kiểm soát nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế; (3) Biện pháp khác nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường; (4) Biện pháp khác nhằm tăng cường tác động tích cực của tập trung kinh tế (Điều 42).

Cuối cùng, các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế bao gồm các hành vi sau: (1) Doanh nghiệp không thông báo tập trung kinh tế; (2) Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; (3) Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế mà thực hiện việc tập trung kinh tế khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định; (4) Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế; (5) Tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm (Điều 44).





1 view0 comments

Comments


bottom of page