Bất kì hoạt động quản lý nào, dù là quản lý nói chung hay quản lý lao động nói riêng muốn thực hiện được thì chủ thể quản lý đều phải thiết lập các công cụ, phương tiện để quản lý. Trong lĩnh vực luật lao động, chủ thể có quyền quản lý người lao động (sau đây gọi chung là “NLĐ”) bao gồm nhà nước và người sử dụng lao động (sau đây gọi chung là “NSDLĐ”). Song, nếu Nhà nước thiết lập công cụ quản lý lao động bằng hệ thống pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì NSDLĐ có quyền thiết lập các công cụ quản lý lao động phù hợp với điều kiện cụ thể trong đơn vị của mình trên cơ sở quy định của pháp luật. Công cụ quản lý lao động của NSDLĐ bao gồm các văn bản do NSDLĐ đơn phương ban hành như nội quy lao động, quy chế, quyết định và các văn bản được thiết lập dựa trên cơ sở thoả thuận với bên NLĐ, tập thể lao động như thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động và các thoả thuận khác.
Hợp đồng lao động là một trong những công cụ quản lý lao động hữu hiệu trong doanh nghiệp. Là sự thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Chính do yếu tố quản lý lao động trong hợp đồng lao động nên để duy trì, ổn định quan hệ lao động và bảo vệ lợi ích của cả hai bên, nhất là lợi ích của NLĐ, pháp luật lao động hiện hành đã giới hạn quyền quản lý lao động của NSDLĐ trong hợp đồng lao động. Theo đó, các vấn đề về nội dung, hình thức, thời hạn, nguyên tắc ký kết, thời giờ làm việc, tiền lương, bảo hiểm, các trường hợp thay đổi, tạm hoãn hoặc chấm dứt,… được quy định cụ thể nhưng rải rác ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Có thể thấy vai trò quan trọng của hợp đồng lao động thể hiện ở:
– Hợp đồng lao động ghi nhận những cam kết làm cơ sở cho việc thực hiện và đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của các bên, thể hiện ý chí của các bên, sự bình đẳng, tự do của NLĐ và NSDLĐ trong quá trình xác lập và duy trì mối quan hệ lao động.
– Hợp đồng lao động là cơ sở để NSDLĐ thực hiện quyền quản lý lao động. Khi đã giao kết hợp đồng lao động NLĐ đã trở thành người bị quản lý. Chỉ có thiết lập quan hệ dựa trên hợp đồng lao động thì NSDLĐ mới có được quyền quản lý đó.
– Hợp đồng lao động là cơ sở để giải quyết các chế độ liên quan đến NLĐ, đặc biệt là chế độ bảo hiểm xã hội, bởi vì các yếu tố về tiền lương thể hiện trong hợp đồng lao động là điều kiện quan trọng để xác định mức đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ và được sử dụng như là cơ sở căn bản để tính toán mức đóng và mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của NLĐ.
– Hợp đồng lao động là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ lao động. Đặc biệt, hợp đồng lao động bằng văn bản vừa đóng vai trò là chứng cứ chứng minh, vừa đóng vai trò là “quy phạm” để giải quyết các vụ việc tranh chấp.
Có vai trò rất quan trọng nhưng thực tế, ở hầu hết các doanh nghiệp, các nội dung trong hợp đồng lao động về mức lương, hình thức trả lương, chế độ nâng lương, nâng bậc lương, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội,… đều ghi chung chung “theo quy định của pháp luật hiện hành” hoặc “theo quy định của công ty”, các nội dung về phụ cấp lương, tiền thưởng, các khoản bổ sung khác đều ghi “đã tính vào lương”. Nội dung công việc phải làm ghi “theo sự phân công của trưởng bộ phận” hoặc “theo nghề nghiệp của công nhân”,…
Khi các quy định của pháp luật đều ở mức tối thiểu về quyền lợi, tối đa về nghĩa vụ thì quyền, lợi ích, nghĩa vụ cụ thể của NLĐ trong hợp đồng lao động hoàn toàn do NSDLĐ quyết định. Khác với lĩnh vực dân sự, luật lao động có những nguyên tắc riêng, nên mặc dù hợp đồng lao động được ghi nhận là sự thỏa thuận giữa các bên liên quan, nhưng những thỏa thuận này đều có những giới hạn nhất định mà các bên không được vượt quá được quy định trong các văn bản luật và dưới luật. Điều đó đã thể hiện sự can thiệp của các nhà nước vào quyền và trách nhiệm của NSDLĐ trong quá trình ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động. Hay nói cách khác, khung pháp lý cho sự thoả thuận các nội dung trong hợp đồng lao động rõ ràng là hẹp hơn rất nhiều so với khung pháp lý cho sự thoả thuận các nội dung trong hợp đồng dân sự. Điều đó lí giải tại sao ra đời trên cơ sở thoả thuận mang tính cá nhân giữa NLĐ và NSDLĐ về quyền và nghĩa vụ của hai bên, song pháp luật lao động lại quy định khá cụ thể các vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động so với các văn bản nội bộ khác như thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, quyết định.
Do đó, để có một bản hợp đồng lao động đầy đủ các nội dung, phù hợp và thiết thực với mô hình của chính doanh nghiệp thì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ am hiểu để có thể tự mình soạn được một bản hợp đồng lao động được pháp luật cho phép. Việc soạn thảo hợp đồng lao động đòi hỏi rất nhiều kỹ năng cùng những hiểu biết chuyên sâu về các quy định pháp luật có liên quan, không những phải đảm bảo được lợi ích của các bên mà còn phải dự kiến được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để từ đó có thể điều chỉnh các điều khoản hợp đồng cân bằng giữa hoàn cảnh thực tiễn và quy định của pháp luật.
Comments