Bên cạnh đầu tư trực tiếp vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài thì xu thế đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo khuôn khổ pháp lý khá hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của trong nhiều năm qua. Đối với đầu tư ra nước ngoài thì một trong những vấn đề nhà đầu tư quan tâm chính là vấn đề vốn và chuyển tiền ra nước ngoài. Gần đây, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư này thay thế Thông tư 10/2006/TT-NHNN với nhiều sửa đổi bổ sung.
Khi nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn đầu tư ra nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân (bao gồm cả cá nhân là thành viên hoặc người đại diện được ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
– Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép hoặc có các tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
– Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.
– Có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn.
Theo đó, nhà đầu tư bất kể là pháp nhân hay cá nhân đều có thể vay vốn theo hình thức này để thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoàn thành thủ tục đầu tư tại nước ngoài, nhà đầu tư mới có thể làm thủ tục vay vốn. Mức cho vay do nhà đầu tư và tổ chức tín dụng thỏa thuận nhưng không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Đây là quy định mới so với quy định cũ, giới hạn mức trần cho vay của các tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay đối với các nhu cầu: góp vốn điều lệ để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; góp vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ở nước ngoài; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài; và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, đối với hình thức đầu tư ra nước ngoài gián tiếp – mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này. Hiện nay, vấn đề đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP, Nghị định này quy định không được sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; và không được sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Hiện nay, chính sách tín dụng của Việt Nam đang được quy định theo hướng ưu tiên nguồn lực tài chính để tập trung đầu tư phát triển thị trường trong nước, hạn chế và không khuyến khích việc đi vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Thông tư 36/2018/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019.
Comments