top of page
Search
Writer's pictureCông ty luật Việt Nam

Ý nghĩa của việc Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc

Việt Nam vừa trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019 – 2025, tại cuộc bỏ phiếu sáng 18-12, giờ Hà Nội, trong khuôn khổ Khóa họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tại New York (Mỹ).



Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế viết tắt là UNCITRAL (tiếng Anh: United Nations Commission on International Trade Law) được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập theo Nghị quyết 2205 (XXI) ngày 17/12/1966. UNCITRAL giữ vai trò là cơ quan chuyên môn pháp lý của Liên hợp quốc (LHQ) trên lĩnh vực Luật thương mại quốc tế. Nhiệm vụ của UNCITRAL là làm hiện đại hoá và hài hoà hoá hệ thống quy tắc thương mại quốc tế, xây dựng luật trong lĩnh vực thương mại, hạn chế các rào cản đối với sự phát triển của thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, đầu tư là nội dung rất quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng của Việt Nam. Trở thành thành viên của Ủy ban có ý nghĩa to lớn với tất cả các quốc gia.


Cơ cấu thành viên của UNCITRAL hiện nay được mở rộng với 60 thành viên. Phương thức hoạt động là chia thành viên thành các Nhóm làm việc bàn về từng chủ đề, từng lĩnh vực, đồng thời tổ chức họp thường niên của từng Nhóm và Kỳ họp thường niên của Ủy ban nhằm thảo luận và thông qua các khuyến nghị của các Nhóm công tác, đệ trình lên Đại hội đồng thông qua các khuyến nghị. Trong những năm qua, các công ước quan trọng nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế đều xuất phát từ Ủy ban này. Các văn bản luật, hướng dẫn của UNCITRAL là nền tảng cơ bản thúc đẩy thương mại quốc tế, được các quốc gia, các doanh nghiệp, giới đầu tư, luật sư và trọng tài áp dụng trên toàn thế giới. Bằng việc tham gia vào UNCITRAL, Việt Nam cơ hội tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng luật thương mại quốc tế. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động vào các công việc của Ủy ban, nhất là tham gia định hình các quy định và luật thương mại quốc tế ngay từ giai đoạn thảo luận, đàm phán theo hướng phù hợp lợi ích của chúng ta nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cộng đồng thành viên. Đây là ý nghĩa quan trọng đầu tiên khi Việt Nam trở thành thành viên của UNCITRAL.


Thứ hai, để ứng tuyển thành công vào UNCITRAL, Việt Nam đã có sự cạnh tranh với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia… Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm UNCITRAL phải tiến hành bỏ phiếu với khu vực mà số ứng cử viên nhiều hơn số ghế. Đối với nhóm khu vực châu Á – Thái Bình Dương thời điểm ban đầu có 11 ứng cử viên, sau đó rút xuống còn 9 cho 7 vị trí. Việt Nam có tỷ lệ phiếu ủng hộ cao (157 trong số 193) – đứng thứ 5 trong tổng số 60 thành viên trong lần đầu được bầu vào UNCITRAL là sự ghi nhận những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của nước ta trong các công việc chung, thể hiện uy tín, vị thế quốc tế ngày càng cao của đất nước. Đồng thời phản ánh được sự chú ý, tín nhiệm từ các quốc gia thành viên. Cho thấy họ cũng quan tâm đến thương mại, đầu tư tại Việt Nam, tạo tiền đề ký kết các hiệp định thương mại về sau, thu hút đầu tư nước ngoài.


Thứ ba, là thành viên của UNCITRAL tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để hoàn hiện khuôn khổ pháp luật trong nước theo hướng phù hợp với chuẩn mực chung, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Hiện nay một vấn đề trọng tâm đang được thảo luận là cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và các chính phủ. Việt Nam đang là một trong các điểm đến của các nhà đầu tư, tổng lượng đầu tư rất lớn. Do đó việc xảy ra tranh chấp chắc chắn sẽ và đã từng xảy ra. Vấn đề này hiện không chỉ UNCITRAL quan tâm mà còn được nhắc đến trong các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP. Khi tham gia thảo luận trong UNCITRAL, chúng ta sẽ có thêm tri thức và kinh nghiệm trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư và giải quyết các tranh chấp phát sinh theo chuẩn mực quốc tế.


Với những kinh nghiệm và nỗ lực của mình, tin rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiệm kỳ với nhiều thành công. Đây là bước quan trọng đánh dấu và nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới.



1 view0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page