Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, sự giao lưu, ký kết các hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng quốc tế ngày càng đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cũng có thể gặp một số rủi ro từ thiên nhiên, suy thoái kinh tế, xã hội,… đây là những rủi ro khó tránh khỏi, có thể đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn, khó thực hiện được hợp đồng trên thực tế.
Bộ luật dân sự 2015 đã có quy định về “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420, theo đó, các bên có thể điều chỉnh hợp đồng khi có sự thay đổi sau:i) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
ii) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
iii) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
iv) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
v) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý; Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Việc điều chỉnh hợp đồng khi gặp hoàn cảnh khó khăn còn rất mới đối với các doanh nghiệp trong nước và chưa được các áp dụng rộng rãi, tuy nhiên trong luật quốc tế, các điều khoản này đã được quy định từ lâu. Vì vậy, nên khi thực hiện ký hợp đồng, các doanh nghiệp cần chú ý thêm điểu khoản điều chỉnh hợp đồng khi gặp khó khăn, để có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Việc bổ sung điều khoản này sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể thực hiện hợp đồng khi có những sự kiện bất khả kháng xảy ra, giúp hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.
Comments